Điều kiện để xin trợ cấp thất nghiệp ở Nhật

Điều kiện để xin trợ cấp thất nghiệp ở Nhật

Điều kiện để xin trợ cấp thất nghiệp ở Nhật

Thất nghiệp thường gây áp lực tài chính, khiến người lao động khó tập trung tìm việc. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu và biết tận dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp, bạn có thể đảm bảo cuộc sống trong khoảng thời gian mất việc tạm thời tại Nhật.

Cùng Mintoku Work tìm hiểu các điều kiện và quy trình đăng ký nhận trợ cấp trong bài viết nhé!

Giấy tờ làm trợ cấp thất nghiệp ở Nhật

Trợ cấp thất nghiệp là gì?

Trợ cấp thất nghiệp, hay bảo hiểm thất nghiệp (失業保険) là một khoản trợ cấp dành cho người mất việc, để giúp họ ổn định cuộc sống và sớm tìm được công việc mới.

Tên gọi đúng của chính sách này là “trợ cấp cơ bản” – là loại trợ cấp thất nghiệp phổ biến nhất, trong 3 loại, gồm:

  • Trợ cấp cơ bản (dành cho người tham gia bảo hiểm bình thường)
  • Trợ cấp tìm việc dành cho người lớn tuổi
  • Trợ cấp đặc biệt một lần (đối với người có bảo hiểm lao động ngắn hạn đặc biệt)

Trong bài viết lần này, Mintoku Work chỉ đề cập đến trợ cấp cơ bản (gọi chung là trợ cấp thất nghiệp).

Điều kiện để được nhận trợ cấp thất nghiệp

Đang thất nghiệp

Điều kiện đầu tiên là bạn phải trong tình trạng thất nghiệp. Theo định nghĩa của Hello Work, “thất nghiệp” là “không tìm được việc làm, dù luôn tích cực tìm kiếm và có khả năng tìm được việc làm bất cứ lúc nào”.

Vì vậy, nếu bạn tìm được việc ngay sau khi nghỉ việc, hoặc không có ý định tìm việc, thì sẽ không được hưởng trợ cấp.

Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Điều kiện thứ hai là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp phải dài hơn một mức nhất định. Và dài hơn bao nhiêu tháng còn tùy thuộc vào lý do nghỉ việc của bạn.

Lý do nghỉ việc Thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc
Lý do tự nguyện (thay đổi công việc, kinh doanh riêng,…) 12 tháng trở lên, trong hai năm trước ngày nghỉ việc
Hoàn cảnh cá nhân (không thể gia hạn hợp đồng, sinh con, bệnh tật,…) Ít nhất 6 tháng trong 1 năm trước ngày nghỉ việc
Lý do xuất phát từ công ty (công ty bị phá sản, sa thải,…)

Thời gian hưởng trợ cấp

Nhiều người thắc mắc trợ cấp thất nghiệp sẽ được cấp trong bao lâu? Thực tế, khoảng thời gian sẽ được xác định dựa trên lý do nghỉ việc, tuổi tác, và số năm đóng bảo hiểm.

Trường hợp nghỉ việc vì lý do tự nguyện

Thời gian đóng bảo hiểm Thời gian hưởng bảo hiểm
Dưới 65 tuổi Dưới 10 năm 90 ngày
Trên 10 năm, nhưng dưới 20 năm 120 ngày
Hơn 20 năm 150 ngày

Trường hợp nghỉ việc vì hoàn cảnh cá nhân hoặc do công ty

Thời gian đóng bảo hiểm
Dưới 1 năm Từ 1 – 5 năm Từ 5 – 10 năm Từ 10 – 20 năm Hơn 20 năm
Độ tuổi lúc nghỉ việc Dưới 30 tuổi 90 ngày 90 ngày 120 ngày 180 ngày
Từ 30 – 35 tuổi 90 ngày 120 ngày 180 ngày 210 ngày 240 ngày
Từ 35 – 45 tuổi 90 ngày 150 ngày 180 ngày 240 ngày 270 ngày
Từ 45 – 60 tuổi 90 ngày 180 ngày 240 ngày 270 ngày 330 ngày
Từ 60 – 65 tuổi 90 ngày 150 ngày 180 ngày 210 ngày 240 ngày

Số tiền trợ cấp thất nghiệp

Số tiền trợ cấp thất nghiệp, được tính theo số tiền lương cơ bản hàng ngày, và số ngày được trợ cấp.

Công thức:

Số tiền lương hàng ngày = Tổng tiền lương trong 6 tháng trước khi nghỉ hưu ÷ 180

Số tiền trợ cấp cơ bản hàng ngày = Số tiền lương hàng ngày × tỷ lệ trợ cấp (50 – 80%)

Tham khảo số tiền trợ cấp cơ bản hàng ngày ước tính theo độ tuổi:

Độ tuổi nghỉ việc Lương theo ngày Mức trợ cấp Số tiền trợ cấp cơ bản hàng ngày
Dưới 29 tuổi Từ 2.746 – 5.110 Yên 80% 2.196 – 4.087 Yên
Từ 5.110 – 12.580 Yên 50 – 80% 4.088 – 6.290 Yên
Từ 12.580 – 13.890 Yên 50% 6.290 – 6.945 Yên
Trên 13.890 Yên (giới hạn trên) 6.945 Yên (số tiền tối đa)
30 – 44 tuổi Từ 2.746 – 5.110 Yên 80% 2.196 – 4.087 Yên
Từ 5.110 – 12.580 Yên 50 – 80% 4.088 – 6.290 Yên
Từ 12.580 – 15.430 Yên 50% 6.290 – 7.715 Yên
Trên 15.430 Yên (giới hạn trên) 7.715 Yên (giới hạn trên)
45 – 59 tuổi Từ 2.746 – 5.110 Yên 80% 2.196 – 4.087 Yên
Từ 5.110 – 12.580 Yên 50 – 80% 4.088 – 6.290 Yên
Từ 12.580 – 16.980 Yên 50% 6.290 – 8.490 Yên
Trên 16.980 Yên (số tiền tối đa) 8.490 Yên (số tiền tối đa)
60 – 64 tuổi Từ 2.746 – 5.110 Yên 80% 2.196 – 4.087 Yên
Từ 5.110 – 11.300 Yên 45 – 80% 4.088 – 5.085 Yên
Từ 11.300 – 16.210 Yên 45% 5.085 – 7.294 Yên
Trên 16.210 Yên (giới hạn trên) 7.294 Yên (số tiền tối đa)

Quy trình xin trợ cấp thất nghiệp ở Nhật

Thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết

Các giấy tờ bao gồm:

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc của người tham gia bảo hiểm (離職票)
  • Thẻ My Number hoặc giấy tờ xác nhận My Number của bạn (ví dụ: thẻ cư trú)
  • Giấy tờ chứng minh danh tính bản thân (giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế,…)
  • 2 ảnh thẻ cao 3 cm x ngang 2.5 cm
  • Con dấu
  • Sổ ngân hàng

Bước 2: Làm thủ tục tại Hello Work

Khi đã chuẩn bị đủ các giấy tờ theo quy định, hãy đến văn phòng Hello Work gần nhất tại nơi sinh sống để hoàn tất thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ những người nộp đơn xin việc tại Hello Work mới đủ điều kiện. Điều này nhằm chứng minh bạn vẫn đang nỗ lực tìm việc.

Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thường là 7 ngày, kể từ ngày nộp đơn xin việc và giấy tờ đăng ký. Trong thời gian này, nếu nhận được thông báo về buổi hội thảo việc làm, hãy lưu lại ngày giờ.

Bước 3: Tham gia buổi hội thảo việc làm

Buổi hội thảo việc làm do Hello Work tổ chức nhằm giúp người lao động tìm việc. Ngoài ra, tại sự kiện này, bạn sẽ được cấp mẫu đơn chứng nhận thất nghiệp và giấy chứng nhận đủ điều kiện được bảo hiểm việc làm. Bạn sẽ điền các thông tin vào đơn và nộp lại.

Sau khi hồ sơ của bạn được chấp nhận, bạn có thể bắt đầu nhận tiền trợ cấp. Tuy nhiên, Hello Work vẫn luôn kiểm tra xem bạn có nỗ lực tìm việc hay không. Về nguyên tắc, để đáp ứng tiêu chí thất nghiệp, bạn phải tìm việc ít nhất 2 lần/tháng và ghi lại kết quả vào mẫu đơn chứng nhận thất nghiệp.

Lời kết

Mặc dù bảo hiểm thất nghiệp có ưu điểm là giúp người lao động an tâm tìm việc, nhưng cũng cần lưu ý rằng sau khi nhận trợ cấp, thời hạn bảo hiểm thất nghiệp của bạn sẽ được đặt lại về 0. Do đó, nếu chuyển việc liên tục trong thời gian ngắn, có khả năng bạn sẽ không được nhận trợ cấp.

Mặt khác, thời gian tham gia đóng bảo hiểm càng lâu, thì tiền trợ cấp thất nghiệp càng cao. Vì vậy, hãy cân nhắc khi sử dụng quyền lợi này nhé!

Share on: