Kiến thức cơ bản về phân loại và xử lý rác thải tại Nhật Bản

Kiến thức cơ bản về phân loại và xử lý rác thải tại Nhật Bản

Kiến thức cơ bản về phân loại và xử lý rác thải tại Nhật Bản

Không phải tự nhiên mà người Nhật nổi tiếng với đức tính sạch sẽ. Vốn là quốc gia có lãnh thổ nhỏ bé, nên Nhật Bản thường không có đủ diện tích đất để chôn lấp rác. Do đó, chính phủ nước này đã tìm cách xây dựng hệ thống xử lý rác thải tối ưu để giữ môi trường xanh – sạch – đẹp ngay cả khi có rất ít thùng rác ở nơi công cộng.

Khác với nhiều nước trên thế giới, người Nhật phân loại rác rất cụ thể với nhiều quy tắc, mà những người nước ngoài mới đến có thể chưa biết. Vậy phân loại rác tại Nhật sao cho đúng? Cùng tìm hiểu trong bài viết nhé!

Vì sao cần phân loại rác?

Rác thải là các chất thải nói chung được tạo ra từ quá trình sinh hoạt của con người, chẳng hạn như thức ăn thừa, bao bì, những món đồ đã hỏng hoặc không còn sử dụng tới,…

Phân loại rác tại Nhật Bản

Một số rác thải có thể vô hại, nhưng một số khác nếu không được phân loại, xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, chúng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển và trở thành mầm mống gây bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, tả, thương hàn,…

Do đó, chính phủ các nước luôn khuyến khích người dân phân loại và xử lý rác thải đúng cách, hay còn gọi là phân loại rác tại nguồn. Thông thường, mỗi quốc gia sẽ áp dụng những cách phân chia rác khác nhau để tiện thu gom và xử lý.

Vậy phân loại rác thải ở Nhật như thế nào?

Phân loại và xử lý rác thải tại Nhật

Hầu hết mọi thứ đều có thể chia thành 5 loại rác thải chính, như sau:

1. Rác cháy được (燃えるゴミ)

Rác cháy được bao gồm các loại rác từ nhà bếp như vỏ trái cây, vỏ trứng, cơm thừa,… hoặc rác sinh hoạt như tã giấy các loại, quần áo, giày dép, đồ da, đồ cao su. Ngoài ra, đồ nhựa như đĩa CD, muỗng nhựa, hộp xốp, chai (không có nhãn tái sử dụng hoặc chai PET) cũng có thể phân vào rác cháy được.

Phân loại rác cháy được

Tùy mỗi thành phố/khu vực ở Nhật sẽ có quy định khi vứt bỏ loại rác này. Thông thường, những lưu ý bao gồm:

  • Rác nhà bếp cần đổ hết nước thừa, và gói bằng giấy báo thật cẩn thận để tránh mùi hôi. Khi mang rác đi vứt, nếu bạn thấy có tấm lưới ở xung quanh, thì bạn nhớ phủ lưới lên trên túi rác, nhằm tránh lũ quạ bới hoặc tha đi (vì ở Nhật có rất nhiều quạ).
  • Đối với túi xách, cặp da, bạn nhớ tháo hết khóa và chốt bằng kim loại trước khi vứt đi.
  • Cành cây/củi/que cắt ngắn tầm 50 cm và cột thành bó.
  • Một số thành phố như Chofu hay Machida sẽ yêu cầu người dân dùng túi rác chỉ định, mua tại cửa hàng tiện lợi. Nhưng cũng có nơi (như 23 quận ở Tokyo) chỉ khuyến khích dùng túi nilong trong suốt, nhìn được bên trong.

Phủ lưới khi vứt rác sinh hoạt – rác cháy được

Do chủ yếu là rác sinh hoạt nên tần suất thu gom nhiều – 2 lần/tuần, và mỗi lần vứt không vượt quá số bao quy định. Tùy thành phố/khu vực mà có quy định riêng về ngày giờ vứt rác. Một số nơi có thể cấm mang rác ra ngoài trước ngày thu gom.

2. Rác không cháy được (燃えないゴミ)

Rác không cháy được bao gồm các món đồ bằng kim loại (chảo nồi, dao, móc áo), gốm sứ (ấm, chén, bát), thủy tinh (gương, bóng đèn LED), hoặc đồ gia dụng cỡ nhỏ như ấm siêu tốc, nồi cơm, bàn ủi/là, máy nướng bánh,… Bên cạnh đó, bật lửa, pin, hoặc bình ga mini,… cũng xếp vào nhóm này.

Phân loại rác không cháy được

Đa phần các loại rác này đều dễ vỡ và có thể gây nguy hiểm. Do đó, khi vứt rác không cháy được, bạn lưu ý những điều sau:

  • Đối với đồ thủy tinh hoặc dao kéo, bạn phải bọc vào giấy và ghi chú bên ngoài, ví dụ: “有害ごみ (Yuugai gomi) – gây hại” hoặc “危険 (kiken) – nguy hiểm” trước khi vứt. Đừng quên dán chặt miệng túi để tránh làm rơi rớt ra ngoài.
  • Những chai chất lỏng (keo, dầu…) cần đổ hết dung dịch ở trong ra trước khi vứt.
  • Kiểm tra kỹ vật dụng chứa khí ga (bình ga, bật lửa,…) đã dùng hết chưa. Lời khuyên là nên dùng hết những sản phẩm này trước khi vứt, và khi vứt, bạn cũng phải đặt ở nơi thoáng mát đúng quy định, để không gây cháy nổ.

Tương tự như rác sinh hoạt, bạn vứt rác không cháy được ở nơi quy định của địa phương, người ta sẽ thu gom khoảng 1-2 lần/tuần.

3. Rác tài nguyên  (資源ごみ)

Rác tài nguyên còn được biết đến là rác tái chế, bao gồm giấy báo các loại như tờ rơi, tạp chí, giấy gói hàng, thùng carton,… Ngoài ra, còn có chăn màn, quần áo, vải vụn cũ,… hoặc các sản phẩm làm từ nhựa dẻo (Plastic) プラ và PET, vỏ hộp nhôm (アルミ), thép (スチール).

Những loại rác tài nguyên – rác tái chế

Những lưu ý quan trọng đối với rác tài nguyên:

  • Chai, lon, vỏ hộp cần được súc, rửa sạch, phơi khô, sau đó để vào túi, tách riêng với những loại rác còn lại. Đối với vỏ hộp sữa/bánh, bạn cắt góc, gấp vuông, đồ hộp để mở nắp, chai nhựa ép ngang, lon nước ép dọc.
  • Giấy báo, quần áo các loại phải để khô, gấp gọn, xếp chồng, phân chia theo từng loại, rồi mới buộc dây hình chữ thập và mang vứt. Đối với giấy khổ lớn, thùng carton to,… bạn phải dùng cắt nhỏ theo kích cỡ quy định, và buộc lại.
  • Giấy đã bị bẩn, dơ không thể tái chế được, nên không xếp vào nhóm rác tài nguyên, mà chuyển sang rác cháy được.
  • Vì là các sản phẩm thấm nước, nên bạn lưu ý không vứt rác tài nguyên khi trời mưa.

Nhìn chung, số lượng rác tài nguyên khá ít nên các địa phương thường thu gom chỉ 1 – 2 lần/tháng.

4. Rác thải cỡ lớn  (粗大ごみ)

Rác cỡ lớn hay còn gọi là rác cồng kềnh, với kích thước thường trên 1m2, chẳng hạn như cửa, tủ, giường, bàn, ghế, tấm đệm, thảm các loại,… Ở Nhật, những loại rác này được áp dụng quy trình thu gom riêng và bị tính phí. Mức phí cụ thể còn tùy thuộc vào từng khu vực, kích thước lớn nhỏ của món đồ, loại hàng,…

Các loại rác cồng kềnh

Để tìm hiểu cụ thể về cách xử lý rác cỡ lớn, bạn tham khảo thêm tại đây. Ngoài ra, tham khảo các mẹo sau để tránh mất tiền “oan”:

  • Đối với đồ gỗ, bạn cắt thành từng miếng với mỗi cạnh dưới 50 cm, và mang vứt vào ngày thu gom rác cháy được.
  • Khi mua cửa, bạn nên thương lượng với người bán hoặc yêu cầu họ thu nhận đồ cũ.
  • Những bạn du học sinh, thực tập sinh ở trọ có thể liên hệ với chủ nhà nếu cần hướng dẫn hoặc giải đáp thắc mắc.

5. Rác thu gom  (収集ごみ)

Những món đồ điện gia dụng có thể tái sử dụng như tủ lạnh, máy giặt, tivi, lò sưởi, điều hòa, nồi cơm điện,… Bạn chỉ cần liên hệ với những người thu gom đồ cũ hoặc đăng tải lên các hội nhóm cho đồ, để ai cần thì đến lấy.

Nhóm rác thu gom

Ngoài ra, tham khảo các cách xử lý khác như:

  • Liên hệ với cửa hàng chính hãng mà bạn đã mua hoặc nhà sản xuất, và hẹn ngày để họ đến thu hồi (có thể mất phí vận chuyển).
  • Bán lại cho các cửa hàng đồ cũ.

Tìm hiểu thêm về những điều cần chú ý khi ở nhật tại đây

Share on: