Các hình thức cơ sở chăm sóc người lớn tuổi của Nhật
Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông (công bố vào tháng 04/2023), số người cao tuổi, từ 65 trở lên ở Nhật, đã đạt mức cao kỷ lục – 36.236.000 người (chiếm 29%) dân số cả nước.
Vì vậy, các cơ sở chăm sóc người lớn tuổi cũng được mở ra ngày càng nhiều và đa dạng về hình thức. Nếu bạn có ý định làm việc trong ngành Kaigo, hãy tìm hiểu ngay cách phân biệt những loại hình viện dưỡng lão phổ biến nhé!
Dịch vụ chăm sóc của viện dưỡng lão ở Nhật Bản
Viện dưỡng lão là gì?
Đây là những cơ sở (khu vực, tòa nhà) cung cấp dịch vụ chăm sóc tổng quát cho người lớn tuổi. Ví dụ: Hỗ trợ cuộc sống hàng ngày (tắm rửa, vệ sinh,…), giám sát triệu chứng bệnh, phục hồi chức năng,…
Những mức độ yêu cầu chăm sóc
Nhu cầu chăm sóc và hỗ trợ của người lớn tuổi được chia thành các mức độ khác nhau.
2 mức độ của nhu cầu hỗ trợ
Cấp độ 1: Bệnh nhân có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cơ bản (ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh,…), nhưng khả năng tự đứng dậy bị suy giảm.
Cấp độ 2: Bệnh nhân cần được giám sát việc đứng lên và đi lại. Sức khỏe có dấu hiệu cho thấy cần chăm sóc điều dưỡng trong tương lai.
5 mức độ của nhu cầu chăm sóc điều dưỡng
Cấp độ 1: Khả năng đứng dậy yếu và cần được giám sát khi đưa ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày (ví dụ: mua sắm, quản lý chi tiêu,…).
Cấp độ 2: Bệnh nhân cần được trợ giúp một phần trong sinh hoạt hàng ngày (đi lại, tắm rửa,…), và có triệu chứng sa sút trí tuệ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Cấp độ 3: Khả năng nhận thức và thể chất đều suy giảm. Bệnh nhân cần hỗ trợ đầy đủ khi đi vệ sinh, đánh răng, thay quần áo,… Một số người phải sử dụng xe lăn.
Cấp độ 4: Bệnh nhân không thể tự đứng vững, và phải dùng xe lăn. Vì vậy, họ cần được hỗ trợ liên tục, đầy đủ trong mọi hoạt động hàng ngày (đi lại, chải tóc, vận động,…).
Cấp độ 5: Bệnh nhân nằm liệt giường, và mắc chứng mất trí nhớ, nên ngay cả giao tiếp cũng khó khăn. Họ không thể sống, nếu không được chăm sóc trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Hỗ trợ người lớn tuổi đi lại trong viện dưỡng lão Nhật Bản
Các hình thức của viện dưỡng lão
Có hai loại hình cơ sở chăm sóc người lớn tuổi (viện dưỡng lão) chính ở Nhật là:
Cơ sở công
Các cơ sở viện dưỡng lão công được quản lý bởi nhà nước và chính quyền địa phương, nên chi phí sử dụng hàng tháng thấp hơn.
Dưới đây là đặc điểm của 3 hình thức viện dưỡng lão công:
Viện dưỡng lão đặc biệt (特別養護老人ホーム): Dành cho những người già cần chăm sóc điều dưỡng cấp độ 3 hoặc nặng hơn. Những người thuộc cấp độ 1 – 2 phải xin phép chính quyền địa phương. Đặc điểm của viện dưỡng lão này là cung cấp dịch vụ giá thấp, và chăm sóc đến cuối đời, nên thường có rất nhiều người đăng ký.
Cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (介護老人保健施設): Dành cho những người cần phục hồi chức năng (ví dụ: vật lý trị liệu) sau khi xuất viện. Thời gian lưu trú tối đa là 3 – 6 tháng, hoặc lâu hơn tùy tình trạng sức khỏe, nhưng không thể ở lại suốt đời.
Nhà chăm sóc (ケアハウス): Là loại hình viện dưỡng lão chi phí thấp, hướng đến những người lớn tuổi có thể sống độc lập. Điều kiện là trên 60 tuổi (nếu cặp vợ chồng cùng lưu trú, thì chỉ cần 1 người trên 60). Có yêu cầu về phí chuyển đến và tiền thuê hàng tháng. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm nấu ăn, giám sát an toàn,… Để sử dụng dịch vụ chăm sóc, người bệnh phải thuộc cấp độ chăm sóc điều dưỡng 1.
Cơ sở vật chất trong các viện dưỡng lão ở Nhật
Cơ sở tư nhân
Các viện dưỡng lão tư nhân tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của người lớn tuổi, nên thường ít giới hạn về số lượng hoặc đối tượng tiếp nhận. Tuy nhiên, chi phí đầu vào và phí sử dụng hàng tháng có thể khá đắt.
Dưới đây là đặc điểm của 3 hình thức viện dưỡng lão tư nhân:
Nơi sinh hoạt cộng đồng (グループホーム): Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ (mất trí nhớ) từ 65 tuổi trở lên, và có nhu cầu hỗ trợ ở mức độ 2. Cơ sở này khá nhỏ, nên thường chỉ cho phép số lượng người tối đa từ 5 – 9. Những bệnh nhân sẽ chia sẻ công việc hàng ngày (như giặt giũ, nấu ăn,…), tùy theo những gì họ có thể làm, dưới sự giám sát của Kaigo. Điều này nhằm làm chậm tiến triển của bệnh mất trí.
Viện dưỡng lão trả phí (住宅型有料老人ホーム): Không giới hạn đối tượng lưu trú, từ người lớn tuổi có thể sống tự lập, đến người cần hỗ trợ hoặc chăm sóc điều dưỡng. Các dịch vụ đa dạng, bao gồm hỗ trợ sinh hoạt, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, giải trí,… Chi phí được xác định theo gói dịch vụ sử dụng.
Nhà ở cho người già có dịch vụ (サービス付き高齢者向け住宅): Không phải là cơ sở chăm sóc, mà giống như ngôi nhà riêng, dành cho những người lớn tuổi giàu có, với nhu cầu chăm sóc thấp và muốn sống tự do. Nơi đây cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc toàn diện, với chất lượng cao.
Kết luận
Bên cạnh các cơ sở chăm sóc người lớn tuổi kể trên, còn có rất nhiều hình thức khác như chung cư cho người cao tuổi, viện dưỡng lão chi phí thấp, cơ sở y tế chăm sóc điều dưỡng,…
Mỗi loại đều có những đặc điểm khác nhau, đáp ứng nhu cầu chăm sóc đa dạng của người lớn tuổi. Đặc biệt, có rất nhiều tiện ích dành cho người muốn tận hưởng cuộc sống sau khi nghỉ hưu.