Làm sao khi có hỏa hoạn xảy ra?

Làm sao khi có hỏa hoạn xảy ra?

Làm sao khi có hỏa hoạn xảy ra?

Hàng năm, có rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra trên thế giới, đặc biệt vào mùa khô. Hầu hết nguyên nhân đến từ sự bất cẩn của con người như dùng điện quá tải, cháy nổ đồ điện, rò rỉ gas, xăng dầu,…

Đôi khi, rất khó tránh khỏi một vụ hỏa hoạn bất ngờ như vậy ở nơi bạn sinh sống hoặc làm việc. Vì vậy, bất cứ ai cũng nên trang bị những kiến thức và kỹ năng ứng phó cơ bản để tự giúp mình, cũng như người khác.

Hỏa hoạn rất thường xuyên xảy ra do bất cẩn của con người

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn 4 bước xử lý cơ bản và những kỹ năng sinh tồn cần thiết.

4 bước xử lý khi gặp hỏa hoạn

1. Báo động khi gặp hỏa hoạn

Đối mặt với một đám cháy, không nên hoảng loạn, mà ngay lập tức hô hoán lên cho những người xung quanh biết nguồn cháy. Nếu khu vực sinh sống, nơi làm việc có chuông báo cháy, thì hãy nhấn chuông. Trường hợp không có, bạn cũng có thể dùng loa, phát thanh,…

Ngoài ra, cần nhanh chóng gọi vào số điện thoại cứu hỏa khẩn cấp – 119 của Nhật để báo cáo tình hình, ngay cả khi đó chỉ là một đám cháy nhỏ.

2. Ngắt hết cầu dao điện khi gặp cháy nổ

Một đám cháy nhỏ cũng có thể làm đường dây điện bị cháy theo, gây chập điện, nổ điện, và khiến đám cháy càng lớn hơn. Chưa kể, nguy cơ rò rỉ điện trên diện rộng là có thể xảy ra, đe dọa đến tính mạng người dân.

Do đó, điều quan trọng bạn nên làm là ngắt hết cầu dao điện khi có sự cố cháy. Điều này không chỉ ngăn hỏa hoạn lan xa đến khu vực khác, mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho những người lính cứu hỏa, không bị điện giật khi lao vào chữa cháy.

3. Thực hiện chữa cháy cơ bản

Thực tế, một số đám cháy nhỏ có thể dập tắt trong vòng 3 phút khi mới bùng lên. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có hiểu biết nhất định mới làm được. Tham khảo một số cách chữa cháy cơ bản sau:

  • Dội nước lạnh: đây là cách hạ nhiệt cơ bản và dễ thực hiện nhất, chỉ cần lấy đầy nước vào xô, chậu và đổ trực tiếp vào ngọn lửa. Tuy nhiên, cách này không áp dụng cho những đám cháy do xăng dầu gây ra, bởi vì xăng dầu nhẹ hơn nước, nên nó sẽ nổi lên trên.
  • Bình chữa cháy: lắc đều bình chữa cháy, đến gần ngọn lửa, rút chốt an toàn, sau đó một tay hướng vòi phun vào trung tâm đám cháy, tay còn lại bóp van xả và quét qua quét lại đám cháy cho đến khi dập tắt toàn bộ.
  • Dùng cát: với khả năng hấp thụ nhiệt tốt, cát làm hạ nhiệt độ của ngọn lửa và tạo ra lớp ngăn cách đám cháy với oxy bên ngoài, dẫn đến tắt lửa.
  • Phủ chăn, khăn ướt: chọn một tấm chăn hoặc vải dày để nhúng nước, sau đó đứng ở vị trí lửa ít tạt đến nhất và trùm chăn lên toàn bộ khu vực cháy. Điều này giúp hạn chế đám cháy tiếp xúc với oxy, hạ nhiệt nhanh và tắt lửa.

Dùng bình chữa cháy để dập tắt lửa trong hỏa hoạn

4. Sơ tán đến nơi an toàn

Khi gặp hỏa hoạn, hãy cố gắng giúp những người xung quanh đến nơi an toàn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu tình huống quá nguy hiểm và bạn không đủ sức, cần bình tĩnh để thoát hiểm trước, sau đó mô tả chi tiết vị trí có người mắc kẹt cho lính cứu hỏa để họ dễ dàng đến ứng cứu.

Kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn

Trang bị những kỹ năng sinh tồn là yếu tố tiên quyết để tự cứu mình trong những trường hợp khẩn cấp. Tham khảo các kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn bên dưới:

Kỹ năng di chuyển

Trong đám cháy, rất nhiều khói sẽ bốc lên, làm cản trở tầm nhìn của bạn khi di di chuyển. Vì vậy, cách tốt nhất là men theo bờ tường, hoặc bò sát mặt đất để tìm lối thoát hiểm. Việc bò sát dưới đất cũng giúp bạn có thêm không khí để thở, tránh bị ngạt.

Khi tìm lối thoát nạn, bạn nên quan sát cẩn thận và chú ý đến những biển báo hướng dẫn được đánh dấu. Đó có thể là lối ra vào, hành lang, cầu thang bộ thoát hiểm,…

Nếu khói xuất phát từ bên trên, hãy di chuyển xuống dưới. Ngược lại, nếu khói từ tầng dưới, hãy lên sân thượng để tránh ngạt khí.

Kỹ năng phòng độc

Thực tế, nguyên nhân gây mất mạng do hỏa hoạn đến từ ngạt khí nhiều hơn là bị bỏng, cháy. Vì vậy, khi ứng phó với đám cháy, cần di chuyển bình tĩnh và hạn chế hít khói, khí độc, bằng cách thấm ướt khăn/áo và bịt vào mũi, miệng.

Nếu chưa kịp thoát thân khỏi phòng, bạn nên dùng băng dính để dán kín các khe cửa, không cho khói lọt vào và chờ đội cứu hộ đến giúp.

Kỹ năng dập lửa

Khi thoát hiểm, bạn nên dùng tấm chăn lớn đã được thấm nước và quấn qua người để tránh tiếp xúc với lửa. Tuy nhiên, trường hợp quần áo bị cháy, thì đừng cố chạy, vì gió sẽ thổi lửa cháy to hơn và làm bỏng cả cơ thể.

Ngược lại, hãy dừng lại và lăn người liên tục trên đất để dập lửa. Nếu gần bạn có hồ bơi, hãy kiểm tra cẩn thận trước khi nhảy xuống, vì nhiều khả năng lửa đã làm nước nóng và sẽ gây bỏng.

Kỹ năng kêu cứu

Khi gặp hỏa hoạn trên tầng cao của tòa nhà, bạn nên đến gần cửa sổ hoặc ra ngoài ban công và hét to để cầu cứu. Đồng thời, thử dùng khăn, áo có màu, hay bất cứ thứ gì có thể để ra hiệu cho mọi người. Ngoài ra, nhanh chóng gọi 119 đến ứng cứu kịp thời.

Ra hiệu cho đội cứu hộ đến ứng cứu trong hỏa hoạn

Kỹ năng mở cửa và thoát hiểm

Tham khảo những lưu ý quan trọng dưới đây để thoát hiểm và mở cửa đúng cách trong hỏa hoạn:

  • Không dùng thang máy để di chuyển trong đám cháy vì nguồn điện có thể bị cắt đột ngột và bạn sẽ mắc kẹt bên trong.
  • Ở nơi đông người như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim,… cần tuân theo hướng dẫn thoát nạn của nhân viên hoặc đội cứu hộ.
  • Không chen lấn, xô đẩy, tạo sự hỗn loạn trong đám đông.
  • Khi mở cửa thoát hiểm, bạn nên kiểm tra trước nhiệt độ của cửa, và đứng sang một bên trong lúc mở để lửa không tạt vào người.
  • Trường hợp bất đắc dĩ, có thể nhảy qua ban công, cửa sổ hoặc mái nhà bên cạnh để thoát thân và chờ người đến cứu.

 

Share on: