/ 
10 quy tắc ứng xử nên biết khi đi tàu điện ở Nhật Bản

10 quy tắc ứng xử nên biết khi đi tàu điện ở Nhật Bản

10 quy tắc ứng xử nên biết khi đi tàu điện ở Nhật Bản

Nhật Bản vốn được biết đến là quốc gia của nhiều nét văn hóa đẹp. Điển hình như triết lý nhân sinh “hòa” – “kính” – “thanh” – “tịch”. “Hòa” trong hòa bình; “Kính” biểu thị sự tôn trọng với người xung quanh; “Thanh” là thanh khiết; và cuối cùng – “Tịch” chính là cảnh giới cao nhất của con người, chỉ sự bình an, tịnh tâm.

Tìm hiểu cách ứng xử phù hợp khi đi tàu điện ở Nhật Bản

Triết lý này được thể hiện rõ trong đời sống, từ việc lớn như làm ăn, đến một việc nhỏ như đi tàu. Nhưng liệu bạn đã biết cách ứng xử đúng khi đi tàu hay chưa? Cùng tìm hiểu 10 điều cơ bản trong bài viết hôm nay nhé!

1. Quan sát xung quanh khi đi lại ở nhà ga

Hầu hết các ga đều phân luồng cầu thang dành cho người đi bộ để tiến ra khu vực đợi tàu hoặc xuống tàu. Dựa theo hướng mũi tên, bạn sẽ xác định được đường đi đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp một số ga có thể không đặt biển hướng dẫn, thì bạn nên dựa theo nguyên tắc chung là đi bên trái.

Khi đi bộ với những chiếc túi lớn hoặc hành lý xách tay “kềnh càng”, hãy cẩn thận quan sát xung quanh để không làm phiền người khác. Nếu cầm ô (dù), bạn nên gấp gọn và hướng mũi nhọn xuống dưới. Nếu đi thang cuốn, hãy bám chặt vào tay vịn.

Nhiều nhà ga trong thành phố lớn như Shinjuku và Shibuya có thể đông đúc bất kể thời điểm nào. Không nên dùng điện thoại khi đi bộ để tránh té ngã, cản trở lối đi hoặc va vào người khác.

2. Xếp hàng đợi tàu

Xếp hàng là nét văn hóa lâu đời của người Nhật, thường thấy ở nơi công cộng như nhà ga. Mọi người sẽ xếp hàng trong lúc đợi tàu. Và khi tàu đến, hãy đứng sang một bên để ưu tiên người trên tàu xuống trước, sau đó bạn có thể từ từ di chuyển lên tàu theo thứ tự.

Hành khách xếp hàng lên tàu điện ở Nhật Bản

Tùy theo từng nhà ga, hành khách được chỉ định xếp thành hai hoặc ba hàng trở lên. Hãy quan sát các hướng dẫn trên sàn nhà để thực hiện đúng.

3. Lên tàu đúng cách

Thực tế, cửa sẽ không đóng khi vẫn có hành khách đứng gần tàu. Vì vậy, không cần phải vội vàng chạy lên tàu vì sẽ rất nguy hiểm. Nếu bạn va vào tàu đang chạy, bạn không chỉ bị chậm trễ, mà tệ hơn là có thể gặp tai nạn.

Lời khuyên cho những ai lần đầu đi tàu là hãy đến ga sớm, trước giờ tàu chạy để đảm bảo có nhiều thời gian lên tàu.

Sau khi đã lên tàu, đừng dừng lại ngay gần lối vào, mà nên đi thẳng về phía sau. Những hành khách khác có thể khó chịu nếu bạn cứ chắn ở lối đi.

4. Không chiếm chỗ ngồi

Nguyên tắc chung khi ngồi là đừng dang rộng chân. Nhiều người khác cũng cần sử dụng ghế. Và bạn cũng không nên gác chân để tránh làm bẩn chỗ ngồi chung.

Ngoài ra, phụ nữ không nên trang điểm trên tàu, vì phấn phủ, son hoặc các dụng cụ khác có thể rơi vào và làm dơ quần áo của hành khách xung quanh.

5. Tránh ăn uống trên tàu

Tùy vào từng tàu, sẽ có quy định cấm ăn uống hoặc không. Điển hình như trên các chuyến tàu điện thông thường, mọi người thường không ăn uống. Nhưng nếu đi tàu Shinkansen hoặc ngồi ở toa xanh hạng nhất (Green Car) của các chuyến tàu tốc hành (Express), bạn có thể ăn uống thoải mái. Nhưng lưu ý các khoang thường của tàu Express thì không được nhé.

Nhiều tàu điện ở Nhật Bản cấm ăn uống

Nếu có dịp đi đường dài, đừng ngại gì mà không thử cơm hộp ekiben (giống với bento), được bán ở các trạm dừng của Shinkansen. Không chỉ thơm ngon, bắt mắt, những hộp cơm ekiben còn là cách người Nhật quảng bá đặc sản nổi tiếng của từng vùng miền.

6. Không gây ồn ào

Khi ở trên tàu, bạn nên cài đặt điện thoại ở chế độ im lặng, tránh nói chuyện to tiếng. Nếu muốn xem video, nghe radio, bạn có thể dùng tai nghe, và điều chỉnh loa phù hợp để âm thanh không bị nhiễu qua tai nghe. Ngoài ra, hạn chế việc say xỉn, và gây hấn với người xung quanh.

Đa phần mọi người đều mệt mỏi trên những chuyến tàu đông nghẹt. Vì vậy, hãy giữ phép lịch sự để tạo ấn tượng tốt nhé!

7. Nhường ghế cho người cần được ưu tiên

Trên tàu thường có những hàng ghế dành cho đối tượng ưu tiên, là người khuyết tật/bị thương, người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Mặc dù vào giờ cao điểm, ai cũng có thể ngồi, nhưng trường hợp có người cần, bạn nên nhường chỗ cho họ.

8. Cất hành lý đúng chỗ

Ba lô, túi xách nên được mang phía trước ngực. Tương tự, bạn đặt hành lý lên đùi mình hoặc gác lên kệ phía trên ghế ngồi. Tránh việc để đồ chiếm chỗ.

Vào những giờ cao điểm, lượng khách đi tàu có thể tăng 200%. Do đó, với những hành lý quá to, bạn nên tránh đem theo (nếu được), hoặc phải giữ kỹ, sát bên mình.

Những ngày trời mưa, bạn nên gấp gọn ô trước khi lên tàu, bởi vì chiếc ô ướt có thể làm người xung quanh cũng bị ướt.

9. Chú ý toa tàu dành riêng cho nữ giới

Nhật Bản là quốc gia văn minh. Nhưng ở đâu cũng không thể tránh khỏi các đối tượng biến thái hoặc quấy rối, thường lợi dụng chuyến tàu đông đúc để thực hiện hành vi xấu.

Vì vậy, nhiều tàu điện, hay kể cả taxi, xe buýt có toa dành riêng cho nữ giới. Tùy vào từng tàu, toa dành riêng cho nữ sẽ phục vụ vào giờ cao điểm buổi sáng, hoặc tối, đến đêm khuya.

Chú ý toa tàu dành riêng cho nữ giới khi đi tàu điện ở Nhật Bản

Về cơ bản, đây là một biện pháp bảo vệ phụ nữ, chứ không cấm nam giới. Vì vậy, các bé trai dưới độ tuổi tiểu học, người khuyết tật và người chăm sóc người khuyết tật (có giới tính nam) cũng có thể sử dụng nó.

10. Hút thuốc đúng nơi quy định

Đối với tàu điện thông thường, hút thuốc trên tàu là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, nhiều chuyến tàu Shinkansen hiện nay, như Tokaido, Sanyo và Kyushu có lắp đặt góc hút thuốc (phòng hút thuốc), nằm ở các toa 3, 7, 10 và 15.

Nhưng vẫn cần lưu ý là đặc quyền này không áp dụng với các chuyến tàu ngắn như Hokkaido, Yamagata và Akita Shinkansen. Nếu muốn hút thuốc, tốt hơn hết bạn nên tìm những khu vực được chỉ định hoặc cửa hàng cho phép sau khi xuống tàu.

Tham khảo thêm 10 quy tắc ứng xử khi ở Nhật

Share on: