Xử lý rác to quá khổ ở Nhật như thế nào?

Xử lý rác to quá khổ ở Nhật như thế nào?

Xử lý rác to quá khổ ở Nhật như thế nào?

Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về cách phân loại rác ở Nhật. Tùy vào từng loại mà áp dụng cách xử lý riêng. Nếu bạn không phân loại, phân loại sai, hoặc mang rác đi vứt trước ngày thu gom, thì rác của bạn sẽ không được dọn, thậm chí bị dán giấy cảnh báo lưu ý về cách phân loại và xử lý.

Có thể xem lại bài trước tại đây

Đối với những người đã quen với nếp sống cứ rác là vứt, bất kể loại nào ở Việt Nam, đây quả thật là việc đau đầu. Thấu hiểu điều đó, nên tiếp nối bài viết kỳ trước, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn bạn cách xử lý rác to quá khổ ngay sau đây.

Rác to quá khổ bao gồm những gì?

Rác to quá khổ là loại rác lớn, gây vướng víu, trong tiếng Nhật gọi là 粗大そだいごみ (sodai gomi), với chiều dài các cạnh (chiều cao, chiều rộng hay chiều sâu) trên 30 cm. Chúng thường là:

  • Đồ nội thất: như tivi, giường, tủ, bàn ghế sofa,…
  • Đồ điện gia dụng hoặc đồ dùng nhà bếp: như lò vi sóng, nồi cơm, bếp ga, quạt,…
  • Vật dụng khác: xe đạp, thảm, chăn, cần câu cá, dây phơi quần áo, gậy đánh golf,…

Các loại rác to quá khổ tại Nhật

Đối với rác quá khổ (cồng kềnh), chúng ta không xử lý như rác thông thường được, mà phải liên hệ với Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ (tiếng Nhật là: 粗大ゴミ受付センター) ở địa phương để đăng ký.

Hướng dẫn chi tiết cách xử lý rác quá khổ

Bước 1: Liên hệ trung tâm tiếp nhận

Thông thường, mỗi quận sẽ có số tổng đài liên lạc riêng của Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ. Bạn có thể ra nơi mình thường xuyên vứt rác hoặc quan sát xem nơi tòa nhà bạn ở có dán biển ngày thu gom rác hay không. Nếu có, thường phía dưới cùng của biển báo sẽ có số điện thoại của Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ và bạn chỉ cần liên lạc theo số đó.

Tuy nhiên, việc này sẽ đòi hỏi bạn biết giao tiếp một chút bằng tiếng Nhật. Khi khai báo đăng ký thu gom rác quá khổ, bạn thường cần cung cấp những thông tin sau:

  • Tên
  • Địa chỉ
  • Số điện thoại
  • Kích thước rác
  • Loại rác
  • Số lượng
  • Địa điểm đặt rác

Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký trực tiếp trên trang web của quận. Bạn tra “粗大ごみ + tên quận, huyện đang sống là ra nhé.

Sau khi khai báo xong, bên trung tâm sẽ thông báo cho bạn ngày thu gom rác và mã số đăng ký. Nhưng thời gian xử lý và liên hệ lại thường mất từ 1 đến 3 tuần.

Bước 2: Mua tem vứt rác

Lúc này, việc cần làm tiếp theo là bạn ra các cửa hàng tiện lợi, mà người Nhật còn gọi là combini (Seven Eleven, Family Mart, LawSon,…) để mua tem/phiếu vứt rác (粗大ゴミ処理券: sodai gomi shoriken). Mua số lượng phiếu bao nhiêu còn phải căn cứ vào kích thước món đồ. Nếu không biết, bạn có thể hỏi nhân viên thu ngân để được hướng dẫn.

Tem vứt rác quá khổ

Với những món đồ nội thất, đồ diện gia dụng kể trên, thường bạn chỉ tốn khoảng 500 Yên để mua phiếu.

Bước 3: Dán phiếu và vứt rác

Sau khi mua được phiếu, bạn nhớ ghi mã số đăng ký, mà tổng đài đã cung cấp lên phiếu vứt rác và dán ở nơi dễ nhìn thấy rác quá khổ. Đợi đến đúng ngày hẹn, bạn chỉ cần mang rác đến địa điểm đã thỏa thuận để người thu gom đến lấy.

Vứt rác không đúng nơi quy định có bị phạt không?

Có. Chính phủ Nhật Bản xử lý rất nghiêm những trường hợp vứt hoặc đốt rác sai quy định. Tại điều 16, luật về quản lý rác thải và vệ sinh công cộng của Nhật Bản, quy định rằng: cấm bất cứ cá nhân nào vứt rác bừa bãi.

Điều này áp dụng từ rác thải công nghiệp phát sinh từ hoạt động kinh doanh, đến cả rác thải thông thường phát sinh trong cuộc sống hàng ngày

Nếu vi phạm, mức phạt (theo điều 25) có thể lên đến 5 năm tù hoặc phạt tiền tới 10 triệu yên (khoảng 1.6 tỷ VNĐ), tùy theo mức độ vi phạm, cũng như từng địa phương.

Khi nào cần nhờ đến dịch vụ thu gom rác quá khổ?

Khi xử lý rác quá khổ, bạn nên lưu ý rằng không phải tất cả các loại rác quá khổ đều sẽ được tổng đài quận, thành phố tiếp nhận. Đặc biệt là 4 loại đồ điện trong gia đình, bao gồm tủ lạnh/tủ đông, máy giặt/sấy, điều hòa, tivi.

Lời khuyên là khi mua những sản phẩm này, bạn nên trả thêm phí tái chế cho cửa hàng, để họ đến thu gom khi bạn không còn dùng nữa.

Ngoài ra, tham khảo các cách khác để xử lý rác quá khổ bên dưới.

Thông qua công ty tái chế có liên kết với quận

Trong trường hợp bạn đã không trả phí tái chế cho cửa hàng, bạn có thể liên hệ với các công ty tái chế có liên kết với quận. Ví dụ, “Hiệp hội xúc tiến tái chế thiết bị gia dụng Yokohama (横浜家電リサイクル推進協議会).

Nếu thông qua công ty tái chế có liên kết với quận, bạn sẽ mất phí tái chế và phí vận chuyển nhưng không đắt như dịch vụ của các cơ sở thu gom tư nhân.

Dịch vụ thu gom rác quá khổ tư nhân

Bạn liên hệ với các cơ sở thu gom tư nhân bằng cách gõ từ khóa 不用品回収/粗大ごみ回収 + tên thành phố. Lúc này, một danh sách dài các công ty sẽ xuất hiện. Bởi vì các dịch vụ này thường khá đắt, nên bạn nhớ xem xét kỹ và so sánh giá (thường được công khai trên website chính của công ty).

Dịch vụ thu gom rác to quá khổ tại Nhật

Tùy từng món đồ muốn vứt mà chi phí có thể khác nhau. Ví dụ, chi phí thu gom tủ lạnh 300 lít là khoảng 3000 Yên (xấp xỉ 650,000 VNĐ), nhưng chi phí vứt máy giặt có thể tới 4000 Yên (tương đương 950,000 VNĐ).

Ngoài ra, nếu bạn chú ý quan sát, bạn cũng sẽ thấy những chiếc xe tải nhỏ chạy chậm chậm quanh các khu vực nhà dân và chào mời “thu gom không mất phí”, giống như những người thu mua “đồng nát” ở Việt Nam. Nhưng thực tế, nếu sử dụng dịch vụ này, họ vẫn có thể yêu cầu bạn trả thêm một khoản tiền, nên bạn chú ý cẩn thận nhé.

Tặng đồ không còn dùng

Đây là cách đơn giản nhất để xử lý các món đồ quá khổ, nếu chúng vẫn còn hữu dụng. Bạn có thể hỏi người quen, hoặc đăng bài tặng đồ trên các group facebook như Mottainai Japan, hay Sayonara Sale. Một cách khác nữa là tặng/bán lại cho các cửa hàng bán đồ cũ (リサイクルショップ) quanh khu vực sinh sống.

Kết luận

Mỗi khi chuyển đến nơi ở mới, người quản lý chung cư/tòa nhà, hay chủ trọ thường sẽ phát cho bạn một cuốn sách hướng dẫn vứt rác do thành phố/quận in. Trong đó sẽ nêu rõ quy định phân loại rác, xử lý rác, cách thức liên hệ khi cần vứt rác lớn quá khổ,… Bạn nên dành thời gian tham khảo cẩn thận và tuân thủ đúng để tránh mất tiền oan, cũng như không gây phiền phức cho người xung quanh nhé.

Share on: