/ 
Khám phá những nét đẹp văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản

Khám phá những nét đẹp văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản

Khám phá những nét đẹp văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản

Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta lại đón một cái Tết cổ truyền với những hình ảnh quen thuộc như hoa mai, hoa đào, bánh chưng, tặng lì xì năm mới,… Vậy văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản thì thế nào? Có những phong tục gì khác lạ so với Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này của Minnano Tokugi nhé!

Nguồn gốc ngày Tết của người Nhật

Tìm hiểu về ngày Tết ở Nhật

Từ xa xưa, người dân bản địa đã tin tưởng rằng, vào ngày 1 đầu năm, vị Thần Năm mới (年神様 – Toshigami-sama) sẽ xuống trần gian và gieo một năm may mắn, hạnh phúc cho mỗi gia đình. Thần Năm mới có thể là Thần Tổ tiên, Thần của Đồng ruộng, Thần của Núi… chủ yếu liên quan sâu sắc đến những mong ước hằng ngày của con người như gia đình hòa thuận, mùa màng bội thu, kinh tế phát triển,…

Để mừng Thần Năm mới xuống trần gian, người Nhật đã nghĩ ra, thực hiện và truyền đời các văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản với nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa riêng. Những phong phục, nghi thức này còn thể hiện sự hiếu khách và chân thành của con người nơi đây. Ngày Tết ở Nhật bắt đầu từ ngày 01/01 đến ngày 03/01 dương lịch hàng năm.

Nét đẹp trong văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản

Với văn hóa truyền tụng lâu đời, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, đan xen với những văn hóa cốt lõi ảnh hưởng từ các quốc gia khác, người Nhật có rất nhiều hoạt động thú vị trong ngày Tết.

Osoji – Tổng dọn vệ sinh

Để chào đón vị Thần Năm mới, người Nhật Bản cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa (大掃除) giống như ở Việt Nam, từ các điện thờ, bàn thờ, các phòng và sân vườn phía ngoài. Người dân tin rằng, khi nhà cửa sạch sẽ thì Thần sẽ mang đến phúc lộc nhiều hơn.

Phong tục này có nguồn gốc từ nghi thức Susuharai được thực hiện ở thành Edo vào ngày 13 tháng 12. Hoạt động chuẩn bị Tết bắt đầu từ Susuharai nên ngày này còn được gọi là khởi đầu của ngày Tết (正月事始め – Shogatsu Kotohajime).

Kadomatsu (門松)

Trang trí Kadomatsu

Kadomatsu là “cổng thông” – biểu tượng của văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản. Vật phẩm trang trí được làm từ thông và tre – những vật thể may mắn, mang ý nghĩa là dấu hiệu chỉ đường để Thần Năm mới không bị lạc, đồng thời là sự chào đón trang trọng của gia đình dành cho Thần. Hai cây Kadomatsu được đặt trước cửa nhà gồm có một giống cái và một cây giống đực.

Bên cạnh đó, trong mỗi gia đình đều chọn nơi vô cùng trang trọng để treo Shimenawa (注連縄) – sợi dây “kết giới” trong Thần đạo của người Nhật. Vì họ cho rằng, khi ghé qua nhà vào năm mới, vị Thần này sẽ trú ngụ tại Shimenawa.

Wakamizu ((若水)

Hoạt động múc nước lần đầu tiên trong năm cũng rất được người Nhật coi trọng để dâng lên Thần Năm mới hoặc để nấu món Ozoni. Uống nước được múc lần đầu tiên vào sáng sớm của năm mới mang ý nghĩa loại bỏ những điều xấu, xua tan bệnh tật.

Otoshidama (お 年 玉) 

Phong tục tặng quà năm mới

Văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản cũng bao gồm việc tặng lì xì cho trẻ nhỏ vào đầu năm mới. Số tiền Otoshidama mà mỗi đứa trẻ nhận được phụ thuộc vào độ tuổi, mối quan hệ của gia đình. Thông thường trẻ em ở Nhật được nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ, ông bà và người thân.

Theo quan niệm của người Nhật, tặng lì xì cho trẻ nhỏ để mong muốn tuổi mới của đứa trẻ đó sẽ hạnh phúc, mau ăn chóng lớn, học tập hiệu quả. Phong bao lì xì được trang trí với nhiều hình vẽ đẹp mắt. Có thể nói, phong tục tặng lì xì vào dịp Tết của người Nhật cũng tương tự với văn hóa của Việt Nam ta. Tuy nhiên, người Việt không chỉ tặng lì xì cho trẻ em mà còn tặng của người lớn tuổi và những người thân khác trong gia đình cùng bạn bè của mình khi tới chơi nhà.

Ở Nhật Bản, ngoài hoạt động tặng lì xì cho em nhỏ thì người bản địa còn làm thiệp Nengajo (年賀状) để gửi lời chúc mừng vào ngày đầu năm mới. Đây là truyền thống được trân trọng và mong chờ nhất. Phong tục này bắt nguồn từ truyền thống đón năm mới Nenshi mawari (年始 周り) từ thời Nara. Vào dịp này, mọi người sẽ đi thăm bạn bè, gia đình, hàng xóm láng giềng và trao Nengajo để bày tỏ tấm lòng cũng như giữ gìn mối quan hệ bền chặt.

Hatsumode (初詣)

Người Nhật đi đền vào ngày đầu năm mới

Văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản cũng có phong tục đi lễ chùa dịp đầu năm giống hoạt động ở Việt Nam ta. Người Nhật tâm niệm rằng đầu năm đi lễ đền chùa thì cả năm sẽ gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc. Ban đầu, hoạt động này chỉ đơn giản là người dân tới viếng đền chùa gần khu vực sinh sống. Nhưng ngày nay, mọi người đi xa hơn, tìm đến những ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng để tạ ơn thần linh.

Không phải cứ đến ngôi đền chùa nào bất kỳ trong dịp đầu năm mới thì đều gọi là Hatsumode. Thực chất, hoạt động này được thực hiện trong khoảng thời gian cố định, tính từ khoảnh khắc kim đồng hồ điểm 0 giờ vào đêm giao thừa cho đến hết ngày thứ ba của năm dương lịch, tức là hết ngày 3/1.

Những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết

Tổng hợp các món ăn yêu thích của người Nhật

Nhắc đến văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản, chắc chắn không thể bỏ qua ẩm thực. Nếu như ở Việt Nam có bánh chưng, bánh dày thì ở Nhật sẽ có món gì để dâng lên Thần nhỉ?

Kagamimochi (鏡餅)

Kagamimochi là lễ vật dâng lên thần năm mới trong dịp năm mới.

Đây là loại bánh mochi được làm bằng gạo nếp để dâng lên Thần Năm mới. Khác với các loại bánh mochi thông thường, Kagamimochi có 2 tầng lớn nhỏ, là sự hiện diện của mặt trời và mặt trăng, âm và dương, với mong ước một năm tràn đầy may mắn.

Mì Toshikoshi Soba (年越し蕎麦)

Người Nhật sẽ ăn mì Soba trước đêm giao thừa để từ bỏ những điều xui xẻo trong năm cũ, đón nhận những điều tốt lành trong năm mới. Ngoài ra, việc thêm hành (Negi) vào trong bát mì vừa mang ý nghĩa cảm ơn Negairai – 労い) một năm đã cố gắng và mong ước (Negi – 祢宜) cho một năm mới có nhiều hạnh phúc. Tùy theo tục lệ mà từng vùng sẽ gọi loại mì “kéo dài sự thịnh vượng” này với nhiều cái tên khác nhau: Misoka Soba, Tsugomori Soba, Otoshi Soba, Jumyo Soba, Fuku Soba và Enkiri Soba.

Osechi (雑煮)

Món ăn cầu thịnh vượng của người Nhật Bản

Nhắc đến văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản, không thể không nói về Osechi – thức ăn ngày Tết của người Nhật dùng vào đầu năm mới. Các món ăn được sắp xếp đẹp mắt vào trong khuôn hộp với nhiều màu sắc khác nhau và mang ý nghĩa tốt lành. Từ xa xưa, món ăn này được coi là lễ vật dâng lên thần thánh 御節供 – Gosechiku vào ngày Ngũ Tiết. Dần dần, món ăn trở thành đồ ăn phổ biến trong tầng lớp thượng lưu và sau đó là với mọi nhà.

Với người Nhật, món ăn càng bày biện đẹp mắt và cầu kỳ thì gia đình càng sung túc và hạnh phúc trong năm mới. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa là ngày Tết để cho Thần Bếp được nghỉ ngơi.

Mỗi hộp Osechi sẽ được gia chủ lựa chọn với những hương vị riêng, hợp khẩu vị cả gia đình. Trong đó, có thể kể đến một số món ăn thường thấy như:

  • Datemaki (伊達巻) – Trứng cuộn ngọt
  • Kuri Kinton (栗きんとん) – Hạt dẻ với khoai lang
  • Tazukuri (田作り) – Cá cơm khô
  • Kuromame (黒豆) – Đậu đen
  • Kazunoko (数の子) – Trứng cá trích
  • Ebi no Umani (えびのうま煮) – Tôm luộc
  • Su Renkon (酢れんこん) – Củ sen muối

Ozoni (お雑煮) – Súp bánh nếp

Đây là món ăn được dùng vào vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, tùy theo vùng miền mà nguyên liệu sẽ có sự thay đổi, ví dụ như:  bánh nếp (Omochi) nướng, khoai, rau củ, đậu hũ, thịt gà… và nước dùng dashi. Ban đầu, Ozoni là món ăn khai vị trước khi nhập tiệc rượu vì nó giúp ổn định hoạt động của dạ dày. Sau đó, món ăn nấu cùng với bánh mochi, đem tới ý nghĩa cầu mong sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc cho từng người.

Ozoni là món súp làm cùng bánh gạo dâng lên Thần năm mới

Kết luận

Nếu so sánh với Tết ở Việt Nam thì có thể thấy rằng, văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản cũng có một số nét tương đồng, tuy vậy vẫn có rất nhiều đặc điểm riêng biệt. Mỗi món ăn, hoạt động trong ngày lễ của người Nhật đều mang ý nghĩa trọn vẹn và họ luôn tự hào về bản sắc của dân tộc. Để hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản, mời các bạn đón đọc các bài viết khác của chúng tôi.

Share on: