Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động ở Nhật mới nhất

Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động ở Nhật mới nhất

Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động ở Nhật mới nhất

Một số người lao động vẫn thường tự chi trả tiền khám, chữa bệnh khi bị thương, bị ốm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, đây vốn là những quyền lợi mà người lao động được hưởng, theo bảo hiểm tai nạn lao động.

Vậy bảo hiểm tai nạn lao động là gì? và ai đủ điều kiện được hưởng? Cùng Mintoku Work tìm hiểu nhé!

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc ở mọi công ty

Bảo hiểm tai nạn lao động là gì?

Bảo hiểm tai nạn lao động là hệ thống bảo hiểm xã hội, chi trả tiền trợ cấp trong trường hợp người lao động bị thương, bị bệnh, khuyết tật hoặc tử vong vì những lý do liên quan đến công việc hoặc trên đường đi làm.

Bảo hiểm này cũng áp dụng cho người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản (bất kể quốc tịch). Ngay cả du học sinh làm thêm cũng được hưởng quyền lợi.

Về nguyên tắc, tất cả các nơi làm việc đều bắt buộc phải cung cấp bảo hiểm tai nạn lao động, ngay cả khi chỉ sử dụng một nhân viên, bất kể số ngày làm việc, loại hình công việc, hay quy mô của ngành. Toàn bộ chi phí bảo hiểm sẽ do người sử dụng lao động chịu.

Phân biệt các loại tai nạn lao động

Tai nạn lao động được chia thành 2 nhóm chính:

Tai nạn do thực hiện công việc

Đây là những thương tích, bệnh tật, khuyết tật, tử vong xảy ra trong lúc người lao động thi hành nhiệm vụ. Ví dụ:

  • Ngón tay bị thương do vướng vào băng chuyền
  • Chấn thương cột sống và bị tàn tật do hàng hóa đổ vào người
  • Tài xế của công ty gặp tai nạn trên đường lái xe đến nhà kho
  • Người lao động bị chẩn đoán trầm cảm và rối loạn giấc ngủ vì áp lực, lo lắng quá mức khi làm việc với sếp khó tính, bạo lực ngôn từ với nhân viên trong thời gian dài

Tuy nhiên, các trường hợp sau đây sẽ không được công nhận là tai nạn liên quan đến nghề nghiệp:

  • Thương tích xảy ra khi người lao động làm việc riêng trong thời gian làm việc, hoặc vào giờ giải lao
  • Người lao động cố ý tự gây tai nạn
  • Người lao động đánh nhau với đồng nghiệp (bên thứ ba) vì thù hận cá nhân

Tai nạn trên đường đi làm

Trường hợp người lao động bị thương, tử vong do tai nạn giao thông trên đường di chuyển theo lịch trình cũng được tính là đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Cụ thể như sau:

  • Di chuyển từ nhà đến nơi làm việc
  • Đi lại giữa nhiều trụ sở, nơi làm việc khác nhau của công ty
  • Tai nạn trên đường đi công tác, hoặc từ nơi công tác trở về nhà

Ví dụ:

  • Nhân viên bị thiệt mạng do tàu hỏa tông, khi đi bộ từ nhà đến công ty
  • Một người lao động xin nghỉ làm sớm để đi khám bệnh, nhưng trên đường đến bệnh viện, thì bị tai nạn

Lưu ý: Nếu người lao động đi đường vòng, đi chệch khỏi tuyến đường hợp lý, hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào không liên quan đến công việc trên tuyến đường di chuyển, thì tai nạn sẽ không được bảo hiểm.

Tuy nhiên, nếu vì lý do mua nhu yếu phẩm hoặc lý do tương tự (như khám bệnh), thì vẫn được cho phép.

Làm thủ tục xin hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

Các loại trợ cấp (bồi thường)

Bồi thường điều trị

Bồi thường điều trị sẽ được chi trả bằng hiện vật (điều trị, cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở y tế được chỉ định), cho đến khi thương tích, hoặc bệnh tật của người lao động được chữa khỏi.

Lưu ý: Bảo hiểm tai nạn lao động quy định “bình phục” là khi cơ thể chuyển sang trạng thái ổn định, mà không cần điều trị nữa (chứ không phải trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn).

Bồi thường nghỉ việc

Nếu bạn không thể đi làm và nhận lương do đang trong thời gian điều trị, bạn sẽ nhận được tiền trợ cấp kể từ ngày nghỉ làm thứ 4 trở đi.

Bồi thường thương tích và bệnh tật

Nếu thương tích hoặc bệnh tật không thể hồi phục sau 1 năm 6 tháng tính từ lúc bắt đầu điều trị, bạn sẽ nhận được trợ cấp hàng năm. Số tiền bao nhiêu còn tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh tật.

Bồi thường khuyết tật

Trường hợp thương tích hoặc bệnh tật đã được chữa khỏi, nhưng còn lưu lại di chứng khuyết tật (từ cấp độ 1 đến 7), bạn sẽ đủ điều kiện nhận tiền trợ cấp hàng năm. Nếu cấp độ khuyết tật là từ 8 đến 14, tiền bồi thường sẽ được thanh toán một lần.

Bồi thường tử vong

Đây là khoản bồi thường cho thân nhân của người lao động đã mất do tai nạn liên quan đến nghề nghiệp. Có 2 loại bồi thường tử vong:

  • Bồi thường hàng năm: dành cho người ưu tiên nhất (trong số những người thân sống phụ thuộc vào thu nhập của người lao động, như vợ/chồng, cha/mẹ, con cái,…)
  • Bồi thường một lần: trong trường hợp không có người thân hoặc tất cả người thân mất quyền được nhận tiền trợ cấp hàng năm.

Thủ tục xin nhận trợ cấp tai nạn lao động

Bước 1: Lấy mẫu đơn đăng ký

Trước tiên, bạn cần tải mẫu đơn xin trợ cấp phù hợp với tình trạng tai nạn lao động, tại văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động hoặc trên website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.

Bước 2: Điền thông tin vào đơn

Bạn sẽ cần khai báo cụ thể các thông tin như:

  • Thông tin cá nhân (họ tên, ngày sinh, địa chỉ cư trú, ngành nghề,…)
  • Mã số bảo hiểm tai nạn lao động
  • Thời gian, nguyên nhân và hoàn cảnh xảy ra tai nạn

Đặc biệt, quan trọng nhất là bạn phải có chữ ký của người sử dụng lao động, nhằm xác minh các chi tiết trong vụ tai nạn là chính xác.

Tùy vào yêu cầu bồi thường, bạn có thể cần ghi tên thương tích, bệnh tật và quá trình điều trị.

Ví dụ: Đối với yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích, bạn điền theo thứ tự như sau:

Mẫu đơn xin trợ cấp điều trị tai nạn lao động

  1. Số bảo hiểm y tế.
  2. Nghề nghiệp (loại công việc).
  3. Nguyên nhân và hoàn cảnh xảy ra tai nạn.
  4. Đây là cột dành cho người sử dụng lao động (phía công ty) xác nhận.
  5. Tên địa điểm làm việc của người lao động.
  6. Địa chỉ, tên,… của người bị tai nạn lao động.

Bước 3: Gửi đơn đăng ký và các giấy tờ minh chứng

Sau khi hoàn tất việc điền thông tin, bạn nộp đơn đăng ký và các tài liệu cần thiết để hỗ trợ quá trình xét duyệt lên văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động. Quyền lợi (hoặc số tiền trợ cấp) sẽ được xác định dựa trên loại tai nạn và mức độ ảnh hưởng.

Văn phòng Thanh tra có mặt trên toàn quốc. Bạn chỉ cần tìm kiếm trên Google Map với từ khóa “労働基準監督署” sẽ thấy. Dưới đây là một số địa chỉ tiêu biểu:

  • Địa chỉ văn phòng Thanh tra ở Shibuya: Tầng 5 và 6 của Tòa nhà Chính phủ Shibuya Jinnan, 1-3-5 Jinnan, Shibuya-ku (xem bản đồ chỉ đường tại đây).
  • Địa chỉ văn phòng Thanh tra ở Shinjuku: Tầng 4 và 5 của Tòa nhà Văn phòng Tổng hợp Lao động Shinjuku-ku Shinjuku, 4-4-1 Hyakunincho (xem bản đồ chỉ đường tại đây).
  • Địa chỉ văn phòng Thanh tra ở Tokyo: 1 Chome-9-20 Koraku, Bunkyo City, Tokyo 112-0004 (xem bản đồ chỉ đường tại đây).

Lưu ý: Văn phòng thanh tra sẽ tiến hành điều tra vụ tai nạn, nên sẽ tốt hơn nếu bạn cung cấp bằng chứng về tai nạn liên quan đến công việc.

Lời kết

Tai nạn lao động là những tình huống ngoài ý muốn, mà bất cứ ai cũng có khả năng gặp phải. Do đó, việc nắm vững kiến thức về bảo hiểm tai nạn lao động sẽ giúp bạn đảm bảo quyền lợi của mình, trong các trường hợp khẩn cấp.

Share on: