Hướng dẫn kiểm tra thông tin trên thẻ cư trú

Hướng dẫn kiểm tra thông tin trên thẻ cư trú

Hướng dẫn kiểm tra thông tin trên thẻ cư trú

Chắc hẳn, bất cứ người nước ngoài nào làm việc tại Nhật, cũng đều quen thuộc với thẻ cư trú (在留カード) – loại giấy tờ tùy thân, cho phép bạn sinh sống hợp pháp ở Nhật, và chỉ được cấp cho những người lưu trú trên 3 tháng.

Dù kích thước chỉ nhỏ như bằng lái xe, nhưng nó lại chứa đầy đủ thông tin về người lao động. Thông qua đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được tình trạng cư trú hợp pháp, cũng như phạm vi công việc của bạn, và quyết định có nên tuyển dụng hay không.

Mặt trước của thẻ cư trú

Mặt trước của thẻ cư trú

Mặt sau của thẻ cư trú

Mặt sau của thẻ cư trú

Những thông tin có trên thẻ cư trú

Ngoài ảnh của người sở hữu, thẻ cư trú còn chứa đầy đủ thông tin như:

  • Họ tên
  • Ngày sinh
  • Giới tính
  • Quốc tịch
  • Địa chỉ (cư trú ở Nhật)
  • Tình trạng cư trú
  • Mã số thẻ cư trú
  • Thời gian cư trú
  • Hạn chế công việc ở Nhật (có thể làm việc hay không)
  • Ngày cấp và ngày hết hạn của thẻ

Theo Điều 23, Khoản 2 của Đạo luật Kiểm soát Nhập cư, thẻ cư trú là thứ mà bạn luôn phải mang theo bên mình. Đặc biệt, khi đi tìm việc, các công ty sẽ yêu cầu kiểm tra thẻ cư trú của bạn, để tránh bị phạt (do thuê người cư trú bất hợp pháp).

Do đó, nếu có bất kỳ thay đổi nào đối với những thông tin trên thẻ cư trú (ví dụ: tư cách lưu trú, gia hạn thời gian cư trú,…), bạn nên báo cáo cho Cục quản lý xuất nhập cảnh.

Vậy người phỏng vấn sẽ kiểm tra thông tin gì trên thẻ cư trú khi tuyển dụng?

Đối với người lao động nước ngoài

Kiểm tra thẻ thật hay giả

Một thông cáo báo chí đưa tin vào tháng 10/2020, khoảng 80% thẻ cư trú giả bị Sở Cảnh sát Thủ đô tịch thu là có mã số đúng do Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cấp, với ngày hết hạn của thời gian lưu trú được ghi rõ trên đó.

Do đó, nhiều công ty sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn khi thuê lao động nước ngoài. Thông thường, có 3 cách phân biệt thẻ cư trú thật và giả:

  • Quan sát từng chi tiết trên thẻ (ký tự MOJ, màu sắc của cạnh bên trái thẻ, ảnh khuôn mặt,…)
  • Ứng dụng đọc thẻ cư trú (在留カード等読取アプリケーション) của Cục quản lý xuất nhập cảnh có thể xác minh thông tin, thông qua chip IC gắn trên thẻ. Tải ứng dụng tại đây.
  • Kiểm tra thời gian cư trú đã hết hạn hay chưa, thông qua mã số thẻ, tại trang web của Cục quản lý xuất nhập cảnh.

Kiểm tra tình trạng cư trú

Cột “Status” (tình trạng) sẽ hiển thị tình trạng cư trú của một người. Ví dụ:

  • Du học sinh (留学)
  • Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế (技術・人文知識・国際業務)
  • Lao động có kỹ năng đặc định (技能)

Tùy vào loại tình trạng cư trú, mà phạm vi công việc của người nước ngoài sẽ khác nhau. Mặt khác, các công ty cũng chỉ quyết định tuyển dụng những người đáp ứng điều kiện về ngành nghề làm việc.

Kiểm tra hạn chế công việc

Ở mặt trước của thẻ cư trú, có một mục cho phép bạn kiểm tra có được phép làm việc hay không, tên là “就労制限の有無”.  Các tình trạng cư trú không được phép làm việc bao gồm du học sinh, người phụ thuộc, lưu trú tạm thời.

Mục kiểm tra có được phép làm việc hay không

Mục kiểm tra có được phép làm việc hay không

Kiểm tra thời gian lưu trú (ngày hết hạn)

Ngày hết hạn của thẻ cư trú thường trùng với ngày hết hạn của thời gian lưu trú ở Nhật. Sau khi hết thời gian lưu trú, bạn sẽ bị coi là ở quá hạn (lưu trú bất hợp pháp) và sẽ không được phép làm việc hay thậm chí có thể bị trục xuất.

Ngoài ra, những công ty tuyển dụng người nước ngoài cư trú bất hợp pháp cũng bị phạt tù lên tới 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 3 triệu Yên.

Do đó, bạn nên chú ý nộp đơn xin gia hạn tại Cục quản lý xuất nhập cảnh trước ngày hết hạn. Lúc này, mặt sau của thẻ cư trú sẽ ghi chú rằng bạn đang trong quá trình gia hạn, và vẫn chưa đầy 2 tháng kể từ lúc nộp đơn. Do đó, bạn vẫn đang cư trú hợp pháp tại Nhật Bản.

Đối với du học sinh

Ngoài những mục cần kiểm tra dành cho người lao động nước ngoài, du học sinh xin làm thêm sẽ được nhà tuyển dụng xem xét kỹ về việc có được phép làm việc hay không và có thể tham gia các hoạt động khác hay không.

Về nguyên tắc, tư cách lưu trú du học sinh không được phép làm việc (就労不可). Điều này sẽ nêu rõ ở mặt trước của thẻ cư trú.

Tuy nhiên, bạn có thể tham gia vào hoạt động khác ngoài những hoạt động được cho phép theo tư cách lưu trú.

Mục cho phép tham gia các hoạt động khác

Nếu có đặc quyền này, nó sẽ được ghi ở mặt sau của thẻ, và cho phép bạn làm thêm tối đa 28 giờ một tuần, ngoại trừ lĩnh vực kinh doanh giải trí.

Lưu ý: Vào kỳ nghỉ dài ngày ở trường (như nghỉ hè), bạn có thể làm nhiều hơn (8 tiếng/ngày).

Lời kết

Khi việc tuyển dụng lao động nước ngoài ngày càng phổ biến, các công ty càng khắt khe hơn trong việc xác thực tình trạng cư trú. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi của họ, mà còn giúp duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa những người tìm việc.

Share on: