Hướng dẫn ứng phó với động đất tại Nhật Bản

Hướng dẫn ứng phó với động đất tại Nhật Bản

Hướng dẫn ứng phó với động đất tại Nhật Bản

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ thảm kịch động đất kinh hoàng năm 2011 – Tōhoku ở Nhật Bản, khiến 15.893 người thiệt mạng và gây tổn thất lên đến 309 tỉ USD về kinh tế.

Thực tế, đó chỉ là một trong vô số trận động đất lớn nhỏ mà người dân xứ mặt trời mọc phải gánh chịu xuyên suốt lịch sử. Với vị trí địa lý nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình Dương, 81% các trận động đất lớn nhất thế giới đều xảy ra ở nơi đây.

Nhật Bản chứng kiến vô số trận động đất hàng năm

Vậy nên kỹ năng sinh tồn quan trọng mà ai sống ở Nhật cũng nên biết là cách ứng phó với động đất.

Tìm hiểu về động đất

Động đất là gì?

Động đất hay địa chấn là sự rung chuyển của lớp vỏ trái đất, hệ quả của việc giải phóng năng lượng bất ngờ như phun trào núi lửa, thiên thạch va chạm,…

Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 5 triệu lần động đất trên Trái Đất, riêng Nhật Bản ước tính khoảng 126.000 trận. Nhưng 99% trong số này là những địa chấn rất nhỏ, mà con người không thể cảm nhận được. Chỉ một số ít trận động đất gây ra tai họa đáng kể.

Các mức độ động đất

Người ta dùng hai loại thang đo để đánh giá mức độ mạnh yếu của động đất. Đó là thang Richter (từ 1 – 9) và thang MSK-64 với 12 cường độ (từ I – XII). Cụ thể như sau:

Cấp độ Cường độ Thảm họa
Từ 1 đến 3 độ Richter I Không cảm nhận được, chỉ máy mới đo thấy
II Rất yếu, nằm yên mới có thể cảm nhận
III Yếu, chỉ đủ làm các đồ vật đang treo đung đưa
IV Rung động vừa phải, cốc, chén kêu loảng xoảng
V Khá mạnh, nhà cửa rung lắc, chất lỏng trào ra khỏi các nơi chứa
Từ 3 đến 4.5 độ Richter VI Mạnh, tường nhà bị nứt, các vật dụng rơi vỡ
Từ 4.75 đến 5.9 độ Richter VII Rất mạnh, nhà cửa sụp đổ, các vụ sạt lở đất nhỏ có thể xảy ra
Từ 5.9 đến 6.5 độ Richter VIII Không thể đứng vững, nhiều khe nứt toác ra, đá lở xuống, nhiều công trình bị sập
IX Tàn phá, người bị quật ngã xuống đất, lở đất trên diện rộng, đường ống ngầm gãy
Từ 6.5 đến 7.75 độ Richter X Hủy diệt, những kiến trúc kiên cố bị phá hủy, nơi chứa nước bị sập, gây lũ lụt
XI Thảm họa, hầu hết công trình xây dựng bị gãy đổ trên diện rộng, sóng thần
Từ 7.75 đến 8.25 độ Richter XII Thảm họa khủng khiếp, mọi thứ trên mặt đất bị phá hủy hoàn toàn, sông suối thay đổi dòng chảy, sóng thần

Làm gì khi có động đất xảy ra?

Chính phủ Nhật Bản gần đây đã áp dụng hệ thống cảnh báo động đất mới. Nhưng những rung chấn không được báo trước vẫn có thể xảy ra.

Trong trường hợp đó, bạn nên kiểm tra thông tin cụ thể về mức độ động đất và có sóng thần hay không để sơ tán kịp thời tại đây, hoặc các nguồn thông tin khác như radio, truyền hình, tin tức trên Internet,…

An toàn bản thân là trên hết

Khi đối mặt với động đất, cần ưu tiên bảo vệ bản thân. Dưới đây là hướng dẫn sinh tồn cơ bản:

Nếu ở trong nhà

  • Nấp dưới một chiếc bàn chắc chắn hoặc ở nơi các đồ vật không thể rơi, lật đổ trúng đầu và đợi cho đến khi hết rung lắc
  • Không nên chạy vội ra ngoài
  • Nếu đang nấu ăn thì phải dập lửa ngay
  • Mở cửa để đề phòng cần chạy thoát thân

Nguyên tắc chung để ứng phó với động đất là nấp dưới bàn

Nếu ở trong một tòa nhà

  • Thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên khi đang ở nơi mua sắm
  • Tránh xa nơi trưng bày đồ thủy tinh trong cửa hàng
  • Đứng ở nơi đồ vật không thể rơi xuống, như sảnh thang máy
  • Tuân thủ nguyên tắc trốn dưới bàn
  • Tránh xa cửa sổ, đèn treo
  • Không sử dụng thang máy khi sơ tán, hãy đi ra bằng lối thoát hiểm

Nếu ở ngoài trời

Nhìn chung, nếu gặp động đất ngoài trời, cần:

  • Lập tức di tản đến khu vực lớn như công viên, bãi đất trống
  • Tránh xa các tòa nhà và công trình cao tầng
  • Tìm cách bảo vệ đầu khỏi những mảnh kính vỡ, mái nhà, biển hiệu,… bị gió làm rơi xuống
  • Cẩn thận với những nơi có vách đá, sườn dốc trên núi, phòng trường hợp lở đất

Nếu đang lái xe/trên tàu

Nếu gặp động đất khi đang lái xe, điều quan trọng nhất cần nhớ là không được phanh gấp, vì dễ gây tai nạn từ phía sau. Cố gắng giữ bình tĩnh để tấp vào lề an toàn, và tìm cách bảo vệ bản thân tùy theo tình hình.

Trong trường hợp bạn đang ở trên tàu hỏa/tàu điện ngầm, các biện pháp như dừng khẩn cấp sẽ được áp dụng. Vì vậy, chỉ cần an tâm sơ tán theo thông báo, không nên tạo ra sự hỗn loạn.

Ngoài ra, bạn có thể tự bảo vệ bản thân theo cách sau:

  • Giữ tư thế thấp khi ngồi trên tàu và bảo vệ đầu bằng túi
  • Nếu đang đứng, hãy bám vào tay vịn hoặc dây đeo để tránh bị ngã
  • Nếu ngồi trên Shinkansen, có thể giấu người vào giữa các ghế để không ngã nhào về phía trước

Đề phòng hỏa hoạn và sóng thần sau động đất

Trong lịch sử đã có nhiều trận động đất kéo theo hỏa hoạn khủng khiếp. Vì vậy, nếu có đám cháy ở khu vực sinh sống, bạn nên tắt hết cầu dao và đóng van bình gas trong nhà, sau đó nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.

Động đất có thể kéo theo sóng thần ở vùng ven biển

Ở các vùng ven biển, nhiều khả năng động đất sẽ tạo ra dư chấn trong lòng đại dương, dẫn đến sóng thần càn quét. Vì vậy, ngay cả động đất nhỏ xảy ra, người dân ở ven biển cũng phải sơ tán đến những khu đất cao hoặc tòa nhà cao từ 3 tầng trở lên.

Sau khi sóng thần đi qua, có thể vẫn cần sơ tán thêm để tránh trường hợp lại tiếp tục có sóng thần. Do đó, bạn không nên vội quay lại nơi sinh sống.

Phương pháp sơ tán đúng

Nguyên tắc chung là sơ tán bằng đường bộ, tránh lái ô tô bởi vì sẽ gây ùn tắc giao thông và cản trở xe cứu hỏa, cứu thương.

Ngoài ra, lưu ý nên mặc quần áo giúp di chuyển thuận tiện khi đi sơ tán và chỉ mang hành lý gọn nhẹ để đeo trên lưng, tránh đồ kềnh càng vì nó sẽ khiến bạn vận động khó khăn.

Về cơ bản, những nơi thường được chỉ định làm địa điểm sơ tán là các trường tiểu học, trung học, trung tâm cộng đồng gần nhất,…

Tham khảo thêm các cách phòng tránh hỏa hoạn ở đây

Share on: