Kỹ sư khách hàng (Customer Engineer) là gì?

Kỹ sư khách hàng (Customer Engineer) là gì?

Kỹ sư khách hàng (Customer Engineer) là gì?

Customer Engineer (CE) là chức danh dành cho kỹ sư làm công việc hỗ trợ khách hàng và đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ từ công ty. Do đó, nhiệm vụ chính của họ thường là cài đặt, vận hành, giám sát, và bảo trì phần cứng laptop, máy tính bảng,…

Cùng tìm hiểu kỹ hơn về công việc này trong bài viết nhé!

Customer Engineer (kỹ sư dịch vụ kỹ thuật) làm công việc gì?

Mô tả công việc kỹ sư khách hàng

Phạm vi công việc của kỹ sư khách hàng có thể khác nhau tùy vào từng ngành nghề hoặc tổ chức. Dưới đây là những nhiệm vụ chính của họ:

  • Tư vấn cho khách hàng

Nếu khách hàng có nhu cầu lắp đặt thiết bị hoặc hệ thống, Customer Engineer sẽ trao đổi chi tiết để biết yêu cầu, từ đó, đề xuất sản phẩm phù hợp nhất. Khi tư vấn, bạn cần cân nhắc các yếu tố như chi phí lắp đặt, quy mô công ty của khách hàng, khả năng tương thích với hệ thống, phần mềm hiện có,…

  • Lắp đặt thiết bị

Customer Engineer sẽ đến tận nơi để lắp đặt sản phẩm, thiết bị mà khách hàng đặt mua. Ngoài ra, bạn còn phải làm công tác bảo mật, xây dựng an ninh mạng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách.

  • Hướng dẫn sử dụng

Trong một số trường hợp, kỹ sư sẽ giúp thực hiện các bước thiết lập ban đầu và hướng dẫn cách vận hành máy móc, nhằm đảm bảo người dùng không gặp khó khăn khi sử dụng.

  • Bảo trì sản phẩm

Để duy trì uy tín về chất lượng sản phẩm, thì bảo trì là nhiệm vụ không thể thiếu. Customer Engineer có thể dành thời gian theo dõi hoạt động của thiết bị ngay tại chỗ hoặc gọi điện thoại trao đổi với khách hàng, để chắc chắn không có sự cố xảy ra.

  • Khắc phục sự cố

Khi xảy ra sự cố với hệ thống, kỹ sư khách hàng chịu trách nhiệm kiểm tra và xác định nguyên nhân lỗi. Tuy nhiên, họ sẽ không trực tiếp sửa chữa, mà giao cho kỹ sư hệ thống.

  • Các nhiệm vụ khác

Ngoài các nhiệm vụ kể trên, kỹ sư khách hàng cũng cần hợp tác với các phòng ban khác trong công ty để đạt được mục tiêu chung (ví dụ: cải thiện doanh số bán hàng), cải tiến chất lượng sản phẩm/dịch vụ, thiết kế các tài liệu hướng dẫn sử dụng, thông số kỹ thuật, quản lý dự án,…

Customer Engineer sở hữu những kiến thức giống kỹ sư công nghệ thông tin Nhật Bản

Yêu cầu công việc của kỹ sư khách hàng

Về bằng cấp

Các công ty thường yêu cầu kỹ sư khách hàng phải đáp ứng:

  • Bằng cấp trong lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như Công nghệ thông tin, điện – điện tử, khoa học máy tính, kỹ thuật cơ khí,… tại trường dạy nghề, cao đẳng, đại học trở lên.
  • Kinh nghiệm (có thể có hoặc không) ở vị trí dịch vụ khách hàng hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
  • Chứng chỉ liên quan (ví dụ: các chứng chỉ công nghệ thông tin).

Về kỹ năng

Kỹ sư khách hàng nên sở hữu những yếu tố sau:

  • Kỹ năng chuyên môn vững chắc, như lập trình, quản lý cơ sở dữ liệu, an ninh mạng, phân tích và báo cáo,…
  • Kiến thức sâu về sản phẩm thiết bị, hệ thống của công ty sẽ giúp kỹ sư khách hàng đưa ra tư vấn hợp lý, giải đáp những thắc mắc của khách,…
  • Kỹ năng giao tiếp để giải thích các khái niệm kỹ thuật một cách dễ hiểu và nắm bắt nhu cầu khách hàng.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp xác định nhanh nguyên nhân, và cung cấp giải pháp hiệu quả,…
  • Kỹ năng làm việc nhóm để hợp tác suôn sẻ với các đồng nghiệp, phòng ban khác trong công ty, và hỗ trợ nhau cùng đưa tổ chức phát triển.

Sự khác biệt so với kỹ sư hệ thống và cơ sở hạ tầng

Mặc dù, cả ba vị trí công việc: kỹ sư khách hàng, kỹ sư hệ thống và kỹ sư cơ cở hạ tầng đều nằm trong ngành Công nghệ thông tin, nhưng nhiệm vụ của ba người này là khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Kỹ sư khách hàng: hỗ trợ khách hàng (người dùng cuối), lắng nghe phản hồi của họ, và làm việc với các phòng ban khác trong công ty.
  • Kỹ sư hệ thống: xây dựng, thiết kế, phát triển hệ thống dựa trên nhu cầu của người dùng, đồng thời, bảo trì, hỗ trợ vận hành, xử lý sự cố,… cho khách hàng.
  • Kỹ sư cơ sở hạ tầng: đảm bảo các yếu tố cần thiết (như phần cứng, phần mềm, tài nguyên mạng, hệ điều hành,…) để doanh nghiệp hoặc tổ chức dễ dàng vận hành, quản lý hệ thống Công nghệ thông tin của họ.

Công việc của kỹ sư dịch vụ kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng giao tiếp

Mức lương của kỹ sư khách hàng

Theo dữ liệu trên trang thông tin việc làm Indeed, mức lương trung bình của kỹ sư Công nghệ thông tin nói chung (kể cả những người làm việc ở vị trí kỹ sư khách hàng) trên toàn nước Nhật, là khoảng 3,49 triệu Yên/năm.

Còn xét theo khu vực, số tiền này xấp xỉ khoảng:

  • 3,5 triệu Yên/năm ở Tokyo
  • 3,33 triệu Yên/năm ở Osaka
  • 3,57 triệu Yên/năm ở Aichi

Trong khi đó, mức lương trung bình của kỹ sư hệ thống tại Nhật là khoảng 4,54 triệu Yên/năm. Còn xét theo khu vực, con số này xấp xỉ:

  • 4,88 triệu Yên/năm ở Tokyo
  • 4,61 triệu Yên/năm ở Osaka
  • 4,19 triệu Yên/năm ở Aichi

Triển vọng tương lai của nghề kỹ sư khách hàng

Theo báo cáo thực trạng phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin, của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, ước tính mức thiếu hụt kỹ sư trong ngành này sẽ đạt ít nhất 800.000 người vào năm 2030.

Theo dữ liệu tìm kiếm trên Indeed, có hơn 10.000 cơ hội việc làm kỹ sư khách hàng trên toàn nước Nhật hiện nay. Trong đó, 63,8% là tin tuyển nhân viên toàn thời gian, 14,0% là nhân viên hợp đồng, công việc bán thời gian chiếm 11,7%, và sinh viên mới tốt nghiệp là 5,0%.

Lời kết

Trước xu hướng số hóa, và điện toán đám mây cũng như trào lưu làm việc từ xa (sau đại dịch Covid-19) ngày càng phổ biến ở Nhật, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư khách hàng dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thăng tiến xa trong ngành này, người lao động cần phải tiếp thu nhiều kỹ năng Công nghệ thông tin mới nhất và liên tục nâng cao chuyên môn.

Share on: